Khai thác văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch

Với gần 3.000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 143 di tích được xếp hạng quốc gia, 36 làng nghề truyền thống... là tiềm năng lớn để Hải Dương khai thác phát triển du lịch.

Giá trị văn hóa, lịch sử là yếu tố cốt lõi tạo lên sự hấp dẫn và độc đáo của sản phẩm du lịch, có sức lôi cuốn du khách đến tìm hiểu một nền văn hóa khác lạ. Nắm bắt được điều đó, Hải Dương bước đầu đã khai thác các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề phục vụ du lịch. Thời gian qua, tỉnh đã tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu du lịch Hải Dương, đặc biệt là các giá trị văn hóa, lịch sử; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.
 

Tài nguyên du lịch phong phú

Khách du lịch đã biết đến Hải Dương qua các di sản, quần thể di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, với các lễ hội truyền thống như: Quần thể di tích và danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc – vùng đất địa linh nhân kiệt, một trong những chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm; đền Bia, đền Xưa, chùa Giám – nơi lưu giữ những kỷ niệm về đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh; Văn Miếu Mao Điền – nơi thờ Khổng Tử và ghi danh các nhà khoa bảng của tỉnh; nhà thờ Kẻ Sặt, chùa Đồng Ngọ (Thanh Hà) với hệ thống tượng và tòa cửu phẩm liên hoa được dựng từ thế kỷ XVI...

Hệ thống làng nghề thủ công truyền thống với 36 làng nghề còn đang giữ nghề cũng là một tiềm năng du lịch vô cùng hấp dẫn. Tại các làng nghề, người dân sinh sống và sản xuất cùng một nơi, nên khách du lịch tới đây có thể được biết cuộc sống thường ngày của thợ thủ công, chứng kiến những công đoạn sản xuất và mua sản phẩm tại chỗ. Những nghề có khả năng hấp dẫn du khách của Hải Dương là chế tác vàng bạc Châu Khê, chạm khắc gỗ Đông Giao, thêu Xuân Nẻo, gốm Chu Đậu...

Tại các di tích, làng nghề này, hàng năm còn diễn ra nhiều lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hiện tại, mỗi năm các khu, điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa, lịch sử của tỉnh đón 400.000-500.000 lượt khách lưu trú, 2 triệu lượt khách quốc tế dừng chân mua sắm, đóng góp vào thu nhập của tỉnh khoảng 500 tỷ đồng. Các di tích nổi tiếng như Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền Tranh, đền Cao... mỗi năm đón hàng triệu lượt khách hành hương. 6 tháng đầu năm 2009, các cơ sở lưu trú tại Hải Dương đón 224.740 lượt khách, tăng 18,87% so với cùng kỳ năm 2008, đạt 49,94% kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế là 42.010 lượt.
 

Quy hoạch, kết nối các điểm đến

Phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa, lịch sử cũng góp phần nâng cao ý thức giữ gìn di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cho người dân, nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy các làng nghề phát triển... Tuy nhiên, việc khai thác giá trị văn hóa lịch sử trong phát triển du lịch ở Hải Dương còn những hạn chế nhất định. Do tác động của tự nhiên, khai thác du lịch không có kiểm soát, công tác trùng tu, tôn tạo chưa được quan tâm... đã làm xuống cấp một số di tích lịch sử văn hóa. Việc bảo tồn và khai thác tài nguyên văn hóa phi vật thể (các lễ hội truyền thống, nghề cổ truyền, nghệ thuật dân gian...) chưa xứng với giá trị và tầm vóc. Nhiều nghệ nhân ca trù, hát đối, hát trống quân, rối nước... tuổi cao, sức yếu, cuộc sống còn nhiều khó khăn, lại chưa được tôn vinh kịp thời, khiến nguy cơ mai một những loại hình nghệ thuật này rất lớn. Kinh nghiệm quy hoạch phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử... yếu, thiếu những nghiên cứu cụ thể về nhu cầu thị trường đối với những sản phẩm du lịch đặc thù đã ảnh hưởng đến việc khai thác hiệu quả những lợi thế về giá trị văn hóa, lịch sử Hải Dương.
 

Để khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử trong phát triển du lịch, thời gian tới Hải Dương cần đánh giá toàn bộ các di tích lịch sử, văn hóa, trên cơ sở đó lựa chọn những điểm thực sự hấp dẫn, độc đáo để quy hoạch thành các điểm đến một cách khoa học, đặc biệt là định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng cao; đồng thời, cần phối hợp, kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận để xây dựng những chương trình du lịch theo chuyên đề văn hóa, lịch sử tạo nên tính du lịch liên vùng, hấp dẫn du khách.

Vấn đề bảo đảm môi trường cũng cần phải chú trọng bởi những giá trị du lịch văn hóa rất nhạy cảm, dễ biến đổi dưới tác động của du lịch. Do đó, tỉnh phải có chính sách cụ thể để phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử; đồng thời, tạo điều kiện cho cộng đồng được tham gia tích cực vào hoạt động du lịch và chú trọng chia sẻ lợi ích với cộng đồng.