Đi tìm Dòng Họ Nguyễn Quyết Trung (Phần 4)- Đã tìm thấy?

13:50 | 30/09/2014

Còn phải mất nhiều công sức và có những chứng cứ xác đáng hơn nữa mới có thể kết luận rằng đã tìm thấy gốc gác Cụ thuỷ tổ Họ Nguyễn Nho Lâm, tuy vậy công việc đến bước này chúng tôi cũng cho là đã viên mãn, chỉ tiếc rằng cha chúng tôi không còn ở lại trên cõi trần này để cùng chúng tôi phát tâm nguyện để báo đáp tổ tiên. Nhân ngày 49 của cha, xin thành kính dâng lên những tư liệu này để con cháu khắp nơi đều có thể tìm về nguồn cội và bổ xung thêm nhiều tư liệu quí giá khác.

Ngành Quyết Trung trong gia phả từ đường Phùng Thiện và họ Nguyễn Quyết Trung là một?

Trở lại với cuốn gia phả họ Nguyễn ở Phùng Thiện, chúng tôi lần theo dấu vết của cụ Nguyễn Hộ Nha. Cuốn gia phả này được ghi chép lần đầu vào năm 1783 bởi cháu gọi cụ hộ Nha là chú: cụ Nguyễn Bá Hanh. Người viết gia phả thường là người đã lớn tuổi nên có thể giả thiết cụ Bá Hanh năm viết gia phả 1783 là 50 tuổi thì chú cuả cụ (nếu còn sống) là khoảng 60 – 70 tuổi. Vậy năm sinh của cụ Hộ Nha là khoảng 1710 – 1720, và cụ sống cùng thời với Tây Sơn Nguyễn Huệ, Trịnh Sâm, Nguyễn Ánh. Ở lần ghi chép đầu tiên, cụ Hộ Nha sinh ra 3 người con trai là: Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Đắc Tiến và Nguyễn Đắc Lộc.
Cuốn gia phả được bổ sung lần hai vào năm 1878 và phần về cụ Hộ Nha được ghi như sau:
Ông Nguyễn Hộ Nha, con thứ ông cụ Viễn, cháu ông cụ Thông sinh tam nam:
Nguyễn Tín sinh nhất nam
Nguyễn Van Loan sinh tam nam
Nguyễn Cầu sinh Nguyễn Cát
Nguyễn Địch sinh Nguyễn Tâm, Nguyễn Quát
Nguyễn Phú sinh Nguyễn Hiệp
Nguyễn Uy sinh Nguyễn Nghĩa
Nguyễn Nghĩa sinh Nguyễn Chuyên, Nguyễn Cần
Nguyễn Thế

Chuyển thành bảng để dễ so sánh
 
5 Nguyễn Cát Nguyễn Tâm, Nguyễn Quát Nguyễn Hiệp      
4 Nguyễn Cầu Nguyễn Địch Nguyễn Phú Nguyễn Chuyên Nguyễn Cần  
3 Nguyễn Văn Loan Nguyễn Nghĩa  
2 Nguyễn Tín Nguyễn Uy Nguyễn Thế???
1 Nguyễn Hộ Nha

Khớp với thế thứ của các cụ ở bảng dòng Nguyễn Quyết Trung, ta có nhận xét như sau: Cụ thứ 3 đời thứ 2 không có tung tích từ năm 1878 và hiện nay cũng không có thông tin về hậu duệ. Ngoài ra chi tiết về Thánh Ông (Huyền Như) cũng không có trong gia phả Phùng Thiện viết năm 1878. Ngoài hai chi tiết này, mọi thế thứ đều khớp giữa 2 gia phả. Như vậy chúng tôi đi dến kết luận, phần gia phả viết về ngành Quyết Trung, cụ Hộ Nha năm 1878 chính là sơ đồ gia phả dòng Nguyễn Quyết Trung. Theo niên giám năm sinh thì tất cả các cụ trong 5 đời đầu tiên đã mất hoặc trưởng thành khi gia phả Phùng Thiện đươc ghi chép bổ sung năm 1878.

Cụ tổ ngành Quyết Trung là ai:

Theo truyền miệng nhà bác Ngoạn, cụ tổ ngành Quyết Trung là người có công lớn nên được dân thờ là Thành Hoàng. Nhưng bác Ngoạn cũng không có thông tin gì nhiều về cụ.
Sau khi tìm hiểu về 7 vị Thành Hoàng tổng Bồng Hải thì đúng là có 1 vị nhân thần họ Nguyễn. Chúng tôi đã tìm đến đền thôn Giáp Nhị để tìm hiểu thêm về ngài:
Tên: Nguyễn Trưởng Xã
Sắc Phong Thành Hoàng năm 1783
Ngày kỵ: 14 tháng giêng
So sánh với ngày tháng khi viết gia phả ở Phùng Thiện và ngày giỗ cụ Pháp Hành ở nhà bác Ngoạn. Có thể khẳng định đây chính là cụ tổ ngành Quyết Trung. Thêm một chi tiết trong gia phả họ Nguyễn Nho Lâm có ghi: Nhà ta ngày xưa gồng gánh việc thánh ở đám Kiều Thôn (Đình Bông) sau sao mảng mất cả. Trong số tài liệu ở nhà bác Ngoạn, cũng có một bản chữ nho bài tế thất vị Thành Hoàng mà chữ viết có thể là của cụ Phó Điền.
Phỏng đoán: Năm 1783 là năm có nhiều biến động trong lịch sử. Sau khi chúa Trịnh Sâm mất, cuộc tranh giành quyền lực giữa các thế lực trong triều dẫn đến việc phế bỏ Trịnh Cán, lập Trịnh Khải. Sau đó Trịnh Khải cũng bị Tây Sơn diệt. Các gia đình danh giá phải mai danh ẩn tích. Có thể cụ Pháp Hành đã là quan dưới triều Trịnh Sâm nên khi viết gia phả đã phải đổi tên để giấu tung tích. Theo truyền thuyết ở Đền thôn 2 thì cụ phụ trách binh lương cho nhà chúa.
Xem lời văn trong sắc phong thành hoàng làng năm 1782, có thể suy đoán Ngài khi sinh thời là một nhân vật khá quan trọng và nổi tiếng. Có lẽ vì thế nên khi có sắc phong Thành Hoàng, tên của Ngài đã được ẩn để tránh liên lụy.
Để hiểu thêm về thân thế của cụ, ta hãy tìm hiểu thêm về dòng họ Nguyễn ở Phùng Thiện.
Theo gia phả thì đây là họ Nguyễn Đại Tôn, các cụ đến Bồng Hải từ huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa (khi đó, Bồng Hải cũng thuộc trấn Thanh Hoa). Đối chiếu với các dòng họ khác thì ta có thể phỏng đoán các cụ đến khai phá Bồng hải khoảng đời chúa Trịnh Cương đầu thế kỷ 18 và có thể các đời thứ nhất đến thứ 4 các cụ vẫn còn ở Hoằng Hóa.
Các cụ từ đời thứ nhất đến thứ 4 đều có tên tự, tên hiệu đây đủ, điều này chứng tỏ đây là gia đình nho giáo có truyền thống lâu đời.
Anh của cụ hộ Nha là cụ Nguyễn Bá Sơn là chánh đội chưởng đội Vân Hải. Đây là một trong hai đội chuyến thuyền quan trọng nhất của chúa trịnh ở đằng ngoài. Con trưởng của cụ Bá Sơn là cụ Bá Hanh, là người viết gia phả năm 1783. Theo phỏng đoán của tôi thì chữ bá trong tên các cụ chính là chỉ địa vị trong xã hội và có khả năng cụ đời thứ 4 Nguyễn Viễn đã từng có tước Hầu. Nếu suy đoán này là đúng thì có thể tên cụ đã xuất hiện trong những cuốn sử quan trọng như Đại Việt Sử Ký Tục biên. Dòng trưởng ở Phùng Thiện cũng sản sinh ra cụ Thiên Hộ Giản, là người giàu có nổi tiếng và tham gia phong trào Cần Vương. Một người con gái của dòng họ cũng kết duyên với cụ Phạm Đan Quế là quan ngự sử triều Nguyễn mà ở quê vẫn gọi là bà Ngự.
Đôi lời về lễ rước Thành Hoàng làng ra đình hàng Tổng: Ngày xưa mỗi năm một lần có rước cụ lên đình chợ xanh cùng với 7 vị Thành Hoàng khác và tổ chức lễ hội trong 7 ngày. Theo các cụ trong đền, trước khi rước cụ ra đình hàng tổng, kiệu của cụ phải ghé qua Miếu Bà Nàng. Miếu này cách đền khoảng vài trăm mét và ngày nay không còn nữa. Miếu này thờ 1 bà công chúa hoặc bà tiên mà bây giờ không biết tung tích. Nhân vật này có thể liên quan đến 1 câu trong sắc phong thành hoàng là: “Nguyễn Trưởng Xã kiêm phò mã (hoặc phụ mã) Đại Vương”. Nếu theo suy luận ở trên, không dễ gì được vua phong là Thành Hoàng, vì vậy có thể phỏng đoán, cụ là người có thế lực, được vua chúa biết đến và không loại trừ có quan hệ hôn nhân với hoàng tộc hoặc nhà chúa. Theo lời kể thì sau này, ngoài thất vị Thành Hoàng, người ta cũng rước Đức Ông ở đền Đức Ông dưới Phường Lâm, tức là cụ Thầy Dong.

Lời kết:

Vẫn còn rất nhiều bí ẩn cần giải đáp khi đi tìm lại những gì trong quá khứ và có thể trong tương lai gần chúng ta sẽ tìm lại được nhiều tư liệu hơn để giải mã tông tích các cụ và tổ tiên trên nhiều đời nữa. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng các cụ tiên tổ đã dầy công gây dựng lên quê hương, phong tục tập quán và được người đời kính trọng. Đặc biệt là với lòng nhân ái, quảng đại, trí thông minh và mưu lược vượt qua những người bình thường đã giúp các cụ có những đóng góp đáng kể cho quê hương, dòng họ. Những tố chất đó đã đang và sẽ được các con cháu phát huy để xứng đáng là con cháu của dòng họ.

Nguyễn Đình Tùng