Thày Dong (hay còn gọi theo âm địa phương là Thày Rong) là một Thày pháp nổi tiếng ở vùng Bồng Hải, Ninh Bình xưa kia, là Yên Khánh, Ninh Bình ngày nay. Xin giới thiệu với Quí vị phần 2 bài viết về nhân vật nổi tiếng này qua bài viết của tác giả Đỗ Bằng Đoàn đăng trên đặc san Bồng Hải năm 1973, do Nguyễn Đình Tùng sưu tầm.
Một năm, về tháng tư, Ông lên Hải Dương thăm các bạn đồng học ngày trước, giao việc đèn hương ở Tĩnh cho cao đệ là Khoá Vân trông coi. Cứ ngày rằm, mồng một phải khao âm binh, nhân dịp này Khoá Vân rủ bốn học trò nhỏ, tối lại ngủ cho vui. Cách xóm gần đấy nhà Nhiêu Tình có bốn sào ngô nếp. Mẹ già và vợ chồng chăm nom, vun xới, bắp ngô to lắm. Khoá Vân trông thấy thèm, đêm sai âm binh đi bẻ trộm. Bị mất trộm hơn trăm bắp, Nhiêu Tình dò biết định tìm bắt quả tang cho Khoá Vân xấu hổ.
Bốn phía vườn rào che kín mít, đàng trước có một cổng ra vào, Nhiêu Tình lấy chỉ ngũ sắc kên vào mắt lưới. Đợi đêm âm binh kéo vào bẻ ngô, y cho người nhà giương lưới lên ngồi ở cửa vườn đợi, còn y vẽ mặt thật hung dữ, đội mũ tàu mo sơn vôi sặc sỡ và cao nghễu nghện vác gậy ẩn trong vườn, Bọn người nhà chụp lưới xuống bắt được hai tên, liền lấy chỉ ngũ sắc trói lại.
Nhiêu Tình đem về nhà, lật cối đá ở giữa sân cho hai âm binh vào rồi úp lại. Thế là hai âm binh bị trói nhốt trong cối đá. Y định đến sang trình hương lý bắt Khoá Vân đến vườn ngô.
Khoá Vân ở nhà thấy âm binh nhớn nhác chạy về, điểm lại thiếu hai tên, biết là bị bắt, không hiểu phải làm thế nào? Tới gà gáy lần thứ nhất, Nhiêu Tình và người nhà vẫn còn thức chong chong coi cối đá. Bỗng nghe ngoài cổng có tiếng rắc rắc như bẻ củi khô, kế thấy hai âm binh cao hơn hai gang tay, tên đi trước gánh hai nắm cơm to bằng hai đầu củ khoai, tên đi sau cầm con dao mỏng như lá lúa từ từ tiến vào sân, mấy con chó nằm ở sân cúp đuôi chạy mất.
Nhiêu Tình và người nhà khẽ ra hiệu nấp vào cột hiên thử xem hai tên âm binh này giở trò gì. Chắc rằng cối đá nặng, hai tên không đủ sức lật lên được. Hai tên đến bên cối chạy chung quanh vài vòng, rồi nhanh như chớp, tên gánh cơm co chân đạp tung cái cối đá, hai tên ở trong lớp ngớp bò ra. Tên cầm dao sấn tới cắt phăng ngay chỉ ngũ sắc đang trói tay bạn, rồi cùng nhau chạy như biến.
Nhiêu Tình và người nhà không kịp trở tay đành chỉ giương mắt ra nhìn.
Hai tháng sau, Ông Thày Dong ở Hải Dương về, mẹ con Nhiểu Tình đến kể đầu, đuôi. Ông tạ lỗi và xin bồi thường lại vườn ngô, mẹ con Nhiêu Tình không dám nhận. Ông sai nọc bọn Khoá Vân ra đánh cho mỗi anh ba mươi roi và cũng thu lại các phép.
Ông không có con, khi gần mất đem tất cả các bí thư châm lửa đốt hết, chỉ truyền cho cháu gọi bằng cậu là Nguyễn Chiêu (người làng Quyết Trung) và các đệ tử mấy môn: phụ đồng, bắt ma, lấy cốt khí, khao tiễn quan ôn, chữa thần trùng, trừ thần trùng cắn lúa, đánh đồng thiếp, vẽ bùa đốt cho bệnh nhân uống để chữa bệnh…là những môn cứu thế, độ dân, còn các môn khác, sợ sau gặp đệ tử không chân chính sẽ có hại cho đời.
Sau khi Ông mất, gặp năm dịch lệ nhiều người mắc bệnh chết, dân chúng đến Tĩnh cầu đảo, phụ đồng Ông lên được, Ông cho bùa về nhà đốt ra uống khỏi bệnh. Làng Nho Lâm nhớ ơn lập đền thờ, đời Thành Thái được phong sắc làm Phúc Thần.
Nguyễn Chiêu cùng các thày phù thuỷ kể chuyện rằng, lúc sinh thời, Ông thường giảng cho học trò hay phái Nội- Đạo có hai pho sách chính yếu là:
- Vạn pháp quy tông.
- Thông thiên hiểu.
Vạn pháp quy tông dạy những phép gọi mây, khiến gió, cầu mưa, làm tạnh, sai khiến thần tướng, luyện đan, luyện khí, tịch cốc, ấy là phép tu tiên.
Thông thiên hiểu dạy những phép luyện âm binh, sai làm việc, vẽ bùa trừ tà, trị bệnh, làm phản ác đốt nhà, hại kẻ thù, làm bùa yêu trai gái, đánh đồng thiếp nhờ Thần Thổ Địa dẫn đi thăm người chết.
Nhiều pháp thuật sở dĩ ngày nay không linh ứng là bởi không có chân truyền, hơn nữa người học không mấy dụng công, mà có học chỉ vụ lợi, không bao giờ và không mấy ai xả thân học đạo, để phò nguy cứu khổ, đem hạnh phúc cho trăm họ.
Cái tâm lúc bắt đầu học đã không chính, không bền, không vững tin thì làm sao mà đắc đạo!