Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, khơi gợi lòng tự hào.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, chủ biên đề cương kịch bản 10 ngày Đại lễ cho biết: Sẽ có một vở kịch sử thi quy mô hoành tráng với sự tham gia của hàng vạn người dân.

Chỉ còn hơn 500 ngày nữa, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sẽ diễn ra tại Hà Nội. Trong không khí cả nước đang gấp rút tiến hành các hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày Đại lễ, nhà văn Nguyễn Khắc Phục, chủ biên đề cương kịch bản 10 ngày Đại lễ, đã chia sẻ một số thông tin về kịch bản này: "Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sẽ diễn ra trong suốt 10 ngày tại Hà Nội với nhiều hoạt động, nhiều chủ đề khác nhau như: viết thư pháp, uống trà Hà Nội, cả nước với Hà Nội - Hà Nội với cả nước, tinh hoa Hà Nội... Ở mỗi hoạt động có một kịch bản chi tiết riêng...".

PV: Diễn ra liên tục trong 10 ngày (từ mùng 1 đến 10-10-2010), vậy thưa nhà văn, đâu sẽ điểm nhấn của đại lễ?

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Câu chuyện của Thăng Long được kể bằng trên đôi cánh, một bên là hùng tráng và chân thực lịch sử và một bên được bay trên khát vọng của thành phố hoà bình và phát triển. 

Có 2 điểm nhấn quan trọng là lễ khai mạc sáng mùng 1-10 và lễ bế mạc đêm mùng 10-10. Sau phần thực hiện nghi lễ quốc gia của lễ khai mạc, sẽ công diễn vở kịch kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ "Thăng Long - Hà Nội - Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh" kể một câu chuyện lập quốc từ thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám cho đến nay, với hình ảnh Hà Nội là thành phố anh hùng, thành phố vì hoà bình. Câu chuyện không được kể bằng lớp lang bình thường mà được phục dựng đúng với không khí và quy mô của sự kiện. Đó là dựng lại lễ đài Quảng trường Ba Đình ngày mùng 2-9, hàng vạn quần chúng tham gia sẽ phục dựng lại không khí cướp chính quyền thời kỳ tiền khởi nghĩa năm 1945; hình ảnh cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập cũng sẽ được tái hiện... Vở kịch xây dựng để thế hệ trẻ hình dung được một đất nước có hơn 2 triệu người chết đói đã đứng lên tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa 1945 giành độc lập tự do; rồi ngày mùng 10-10 năm 1954, Chính phủ về tiếp quản thủ đô; không khí dựng lại cầu Thăng Long, làm đường sắt; Hà Nội bị ném bom năm 1972, cuộc họp của Bộ Chính trị quyết định tổng tấn công năm 1975; hình ảnh Hà Nội bước vào công cuộc xây dựng... Tất cả sẽ được tái hiện lại một cách sinh động. Đây là vở kịch sử thi quy mô với sự tham gia của hàng vạn người dân, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để câu chuyện có nhân vật, có thân phận, kịch tính... 

9h sáng ngày thứ 10 sẽ có một đại lễ trên khấu trên mặt Hồ Tây với chủ đề "Thành phố rồng bay". 

nguyenkhacphuc.jpg
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục


PV: Với vai trò là người chủ biên của đề án kịch bản, mục đích lớn của đại lễ mà ông hướng tới khi xây dựng kịch bản?

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long đứng vững trước mọi thử thách và đang ngày càng phát triển, đó là thử thách của các biến cố lịch sử thăng trầm, Thăng Long vẫn đứng vững và ngày càng phát triển. Chúng ta đã chứng tỏ được sức sống của một biểu tượng biểu tượng đất nước, của một thành trì và là nơi kết tinh tất cả những hệ giá trị Việt Nam. Phản ánh được điều đó, để làm cho nhân dân và nhất là thế hệ trẻ thật sự tự hào, có thêm tự tin góp sức mình để xây dựng  Thăng Long – Hà Nội mạnh mẽ hơn, to đẹp hơn. Cũng từ sự kiện này, làm cho bạn bè thế giới hiểu rõ hơn về Việt Nam, là đất nước có truyền thống văn hoá lâu đời, luôn tôn trọng các giá trị văn hoá, giá trị nhân loại, yêu hoà bình và rất thân thiện, muốn làm bạn với tất cả các quốc gia nhưng đồng thời cũng không cho phép bất kỳ ai làm nhục mình... 

PV: Trong hoàn cảnh đất nước đang chịu ảnh hưởng từ sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến một đại lễ dự kiến sẽ được xây dựng quy mô và ấn tượng như Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long?

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục:  Để thực hiện được mục đích trên phải tổ chức được một đại lễ hoành tráng cả về quy mô, không gian, thời gian, nên rất cần sự đầu tư. Tuy nhiên trong điều kiện kinh tế hiện nay thì làm sao đầu tư một cách thích đáng, hợp lý và thiết thực, đó cũng là phương châm của chúng tôi. Từ sự kiện này, chúng ta sẽ quảng bá được hình ảnh đất nước với thế giới, thu hút du lịch nhiều hơn, việc ngoại giao của chúng ta với các nước dễ hơn... Vì vậy, cho dù chúng ta phải đầu tư nhiều tâm huyết và tiền của cho sự kiện này, thì so với những gì chúng ta được từ sau sự kiện, thì đây sẽ là một sự đầu tư hiệu quả chứ không phải là một sự tốn kém và lãng phí.

oquanchuong.jpg
Ô Quan Chưởng (ảnh: Lê Bích)


PV: Chỉ còn hơn 500 ngày nữa sẽ đến ngày Đại lễ, ông đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị hiện nay?

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Sẽ có một Tổng chỉ huy đại lễ do Nhà nước bổ nhiệm. Theo đó, sẽ có các tổng đạo diễn của mỗi chủ đề và các ê kíp thực hiện riêng. Cũng sẽ thành lập một trung tâm chuẩn bị nội dung cho tất cả các hoạt động của đại lễ, gọi tắt là Trung tâm kịch bản. 

Từ giờ cho đến tháng 10 năm nay, khâu kịch bản chi tiết cho các hoạt động phải được gấp rút hoàn thiện. Chúng ta lâu nay vẫn quen với việc "nước đến chân mới nhảy", vì không phải bây giờ chúng ta mới biết sẽ có đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Từ khi làm đồng hồ đến ngược, tôi muốn nhắc chỉ còn 1.000 ngày, dù ai cũng biết thời gian đang vơi dần nhưng chẳng ai tăng tốc.

Đến nay chỉ còn hơn 500 ngày, nhưng với quyết tâm hướng tới mục tiêu cao cả của đại lễ của các bộ, ngành, địa phương, nhất là sự đồng lòng của toàn dân và sự tham gia, đóng góp của người Việt ở nước ngoài, tôi tin mọi việc sẽ tốt đẹp. Và bây giờ không nên lãng phí thới gian nữa vì như vậy là tự làm khó mình.

Trước khi đại lễ diễn ra sẽ có một số cuộc tổng diễn tập vào đúng vào ngày kỷ niệm một số sự kiện văn hoá như ngày hội văn hoá các dân tộc (19/4), lễ hội Gò Đống Đa...

PV: Xin cảm ơn nhà văn!

Ngọc Khánh