Mong chờ tượng đồng Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Dự kiến tháng 11 âm lịch sang năm, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông- vị vua hai lần đánh thắng quân Nguyên Mông, người có công sáng lập Thiền phái Trúc Lâm- sẽ khánh thành trên núi Yên Tử.

Lễ khởi công tượng đồng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được tiến hành vào ngày 16/12 (tức 1/11 âm lịch, đúng ngày nhập niết bàn của Phật Hoàng - Đại lễ của Phật giáo Việt Nam). Giữa ngày đông mà tiết trời lại sáng đẹp lạ lùng. Dòng người hành hương ai cũng hoan hỉ vì cùng với việc lên chùa Đồng lễ Phật, họ lại được chiêm ngưỡng công trình xây dựng bức tượng đồng Phật Hoàng Trần Nhân Tông- một vị vua đã hai lần đánh thắng quân Nguyên Mông, người có công sáng lập Thiền phái Trúc Lâm để nay nườm nượm cháu con hậu duệ về đây chiêm bái nơi Ngài nhập Niết bàn. Đến đây, họ không những được chiêm ngưỡng thắng cảnh tiên bồng mà còn tìm thấy vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện của nơi anh linh hội tụ.

Bác Đặng Hữu Hưng, 70 tuổi, cán bộ quân đội nghỉ hưu nói: Lên tới đây tôi thấy vô cùng sảng khoái, quên hết cả mệt nhọc, ưu phiền. Tôi thấy bức tượng mô phỏng Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã quá đẹp, vậy thì sang năm bức tượng đồng mà làm xong sẽ còn tuyệt vời đến thế nào… Lúc ấy dù có tuổi cao, sức yếu đến mấy tôi cũng phải cố lên lần nữa để chiêm ngưỡng”

Những người trẻ tuổi ngày nay cũng không thờ ơ với việc tìm lại cội nguồn. Rất nhiều bạn trẻ thanh niên nam nữ đã cùng nhau hành hương, lấy làm thú vị vì được ngắm công trình xây dựng tượng đồng rất hoành tráng. Bạn Hằng, một khách hành hương từ Hà Nội nói: “Tôi đã nhiều lần lên Yên Tử, lần nào cũng thấy cảm xúc dạt dào. Lần này lại đúng dịp kỷ niệm 701 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn và khởi công xây dựng bức tượng đồng, tôi thấy như mình cũng được chạm tay tới cõi Niết Bàn, cảm xúc thật lạ lùng…”                     

Khu vực xây dựng tượng Phật Hoàng trên khu đất rộng hơn 2.000 m2 ở An Kỳ Sinh, cao hơn 900 m so với mặt nước biển. Đây là khu vực có giá trị nhiều mặt lịch sử, văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật, có khả năng phát huy giá trị trong cuộc sống tâm linh, tham quan lễ hội và sưu tàm nghiên cứu.

Sau khi dự án được phê duyệt, Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam đã mời các đơn vị làm mẫu tượng thạch cao tỷ lệ 1/1. Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng LiCoLi 18.1 xây dựng móng, bệ tượng và sân hành lễ. Tổng công ty TNHH xây dựng mỹ thuật Hà Nội thực hiện việc đúc đồng. Công ty Cổ phần xây dựng, thương mại - dịch vụ Tân Trường Thịnh thực hiện việc vận chuyển hàng chục tấn vật liệu lên An Kỳ Sinh. Dự kiến công trình đúc Ngài sẽ bắt đầu vào giữa năm 2010 với phương thức đúc tại chỗ.

Bà Phạm Thị Mai Hoa, giám đốc Công ty TNHH xây dựng Hà Nôị cho biết: “Ở vị trí cao như An Kỳ Sinh và độ ẩm của không khí không cho phép chúng tôi đúc từng phần rồi ghép lại mà chúng tôi buộc phải đúc toàn phần. Bởi vậy chúng tôi xây dựng một giàn giáo với 15 lò đồng để có thể đúc tại chỗ. Vừa rồi chúng tôi đã đúc thử nghiệm và rất thành công. Hy vọng rằng công việc tiến triển tốt đẹp thì khoảng giờ này sang năm chúng ta có thể khánh thành bức tượng đồng Phật Hoàng Trần Nhân Tông”.

Cùng với công trình đúc tượng đồng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng Ban quản lý di tích danh thắng Yên Tử cũng đang tiếp tục bảo vệ, tôn tạo di tích để dịp xuân hội khách hành hương sẽ đi lại dễ dàng và khoan khái hơn trong chiêm bái Yên Tử. Thượng Toạ Thích Thanh Quyết, uỷ viên thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: “Nhà chùa đã làm thêm một con đường bộ có bậc đễ đi mà không phải chặt đi bất cứ cây cối gì. Con đường rất đẹp, có lẽ sẽ hoàn thành trước mùa xuân hội. Còn công trình đúc tượng vẫn tiếp tục được làm trong mùa xuân hội cho kịp tiến độ, song cũng để khách hành hương có thể chứng kiến, chụp ảnh những người công nhân đang thi công công trình. ..”

Với những nỗ lực cao của mọi thành viên, hy vọng rằng, công trình xây dựng tượng đồng Phật Hoàng Trân Nhân Tông và những công trình tôn tạo di tích Yên Tử sẽ viên mãn, để mãi mãi Phù Vân Yên Tử mênh mang giữ nguyên vẻ đẹp và uy lực của đất tâm linh.