Đi tìm Dòng Họ Nguyễn Quyết Trung (Phần 2)

13:34 | 30/09/2014

Từ cuốn gia phả Họ Nguyễn tại Phùng Thiện, Cụ Nguyễn Văn Thân cùng các con cháu bắt đầu một công việc có thể nói là mò kim đáy biển để tìm lại gốc gác, tổ tiên. Sau đây là các ghi chép do Ông Nguyễn Đình Tùng là con trai thứ của Cụ Nguyễn Văn Thân trong quá trình đi tìm.

Như trên đã nói, sau khi có trong tay cuốn Gia phả Họ Nguyễn ở Phùng Thiện (Từ nay sẽ gọi là Họ Nguyễn Phùng Thiện) việc lầm tìm các chi tiết bắt đầu.

Giới thiệu:

Nhằm bổ sung nhiều điều chưa rõ trong cuốn gia phả họ Nguyễn Nho Lâm, do ông nội là cụ Phó Điền ghi chép lại năm 1950, tôi đã cố gắng thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, nhằm tìm lại nguồn gốc tổ tiên, thực hiện tiếp phần việc mà ông nội đã khởi xướng nhưng không kịp hoàn thành do chiến tranh. Tài liệu này nhằm bổ sung cho cuốn gia phả cụ viết năm 1950.

Mục đích:

Tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của tổ tiên từ đời cụ Đồng Tuyến trở về trước và anh em của các cụ cũng như hoàn cảnh lịch sử thời các cụ sinh sống.

Manh mối đầu tiên:

Năm 2010, trong bữa cơm cám ơn họ hàng đã đến đưa mẹ tôi về nơi an nghỉ cuối cùng ở Ngòi Ngang, tôi tình cờ gặp và nói chuyện với bác Sang. Khi hỏi về quan hệ họ hàng, tôi có thắc mắc về chuyện họ nhà ta từ đâu đến, và từ đường bên trên từ đường nhà bác Vương là thờ ai và ở đâu? Bác Sang có nói đến cụ Trung Sơn là cụ tổ họ Nguyễn và nói nếu có thời gian bác sẽ dẫn đi thăm từ đường. Vì phải vội về Hà Nội, tôi cám ơn bác và hẹn một dịp khác. Đối với tôi, mỗi câu chuyên về tổ tiên có 1 sức hút lạ thường.

Sau đó tôi có tham khảo một số người cao niên trong họ và được dạy rằng, thông tin của bác Sang là không đáng tin cậy. Tuy nhiên, không ai trả lời được câu hỏi từ đường trên từ đường Nhà bác Vương là ở đâu và tổ tiên từ đâu tới, có phải là họ Nguyễn hay từ một họ khác đổi sang. Bố tôi, Cụ Nguyễn Văn Thân nói rằng câu đối ở từ đường nhà bác Vương (xây dựng năm 1938) viết rằng các cụ đến từ thôn Giáp Nhị. Nhưng khi hỏi thôn giáp nhị ở đâu thì không ai trả lời được.

Lần về quê tiếp theo năm 2011, tôi tiếp tục lần theo manh mối. Lần này, theo lời khuyên của một người bạn là nếu muốn tìm lại tổ tiên thì cứ lên Phùng Thiện, nơi có từ đường tổ của các họ của tổng Bồng Hải. Sau khi thăm miếu bà cô tổ họ Vũ, chúng tôi sang thăm từ đường nhà ông Rong. Từ đường này đúng là bề thế, xứng tầm là nơi phát tích của họ Nguyễn ở tổng. Trong từ đường có giấy chứng nhận công nhận di tích nhà thờ Thiên Hộ Giản. Sau khi thắp hương, chúng tôi vào nói chuyện với chủ nhà và xin xem gia phả. Gia phả họ Nguyễn Phùng Thiện được ghi chép lần đầu tiên vào năm 1783, nhằm vào năm Cảnh Hưng thứ 43.

Theo gia phả thì cụ tổ từ Thanh Hóa, vào Bồng hải lập nghiệp và đã truyền cho đến nay đã là 16 đời. Gia phả ghi chép đầy đủ các chi họ của ngành trưởng. Khi hỏi về những chi họ Nguyễn ở Khánh Thành, Khánh Cường thì rất ít thông tin. Mặc dù đã cố tra cứu trong khoảng 1 giờ đồng hồ, chúng tôi vẫn không tìm được chút manh mối nào. Theo như chủ nhà thì có thể nhà ta thuộc những chi họ nhánh (mà mỗi đời có rất nhiều nhánh nên không có thông tin. Do thời gian có hạn, tôi xin chụp ảnh sơ đồ dòng họ và đồng thời xin mượn cuốn gia phả gốc bằng chữ nôm, có nét chữ bố tôi cho là rất đẹp. Tôi tin rằng đây là từ đường thờ các cụ là tổ tiên nhiều đời trên cụ tổ thờ ở nhà bác Vương. Nhưng chính thức là các cụ nào thì đúng như bố tôi nói: giống như mò kim đáy biển!

Rời Phùng Thiện, chúng tôi về nhà Bác Ro và sang thắp hương tổ tiên bên từ đường nhà bác Vương. Ở đây, bố chỉ cho tôi chỗ long cốt viết về việc tổ tiên từ Giáp nhị thôn. Sau khi thắp hương tôi mới xem kỹ sơ đồ gia phả nhà, và hỏi bác Vương gái, nhà mình có chép gia phả không. Đó là lần đầu tiên tôi được đọc gia phả nhà mình, và thật tự hào vì người viết gia phả chính là ông nội: cụ Phó Điền. Tôi muốn xem bản gốc để được tận mắt thấy chữ viết của ông nội và được biết, bản gốc đã bị mất thời cải cách ruộng đất. May nhờ có bác Đình khi đi bộ đội đã sao chép và mang theo nên sau này mới còn. Đọc lướt qua cuốn gia phả, tôi thầm cảm ơn ông nội đã ghi chép lại những thông tin hết sức chi tiết, khách quan mà tôi tin chắc chắn rằng (với sự giúp sức của tổ tiên) sẽ giúp cho tôi tìm lại quá khứ.

Trang gia phả viết về cụ thủy tổ, ngài phát tích từ dòng họ Nguyễn Quyết Trung… Và tôi nhớ buổi sáng có nhìn thấy chữ Quyết Trung ở từ đường Phùng Thiện. Giở lại tấm hình chụp trong máy ảnh: nhánh đời thứ 5 cụ Nguyễn Hộ Nhạ (Ngành Quyết Trung)… một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Vì không còn thời gian, tôi xin phép chụp lại toàn bộ cuốn gia phả để nghiên cứu thêm.

Khi chia tay bố ở Hà nội, ông hứa sẽ dịch cuốn gia phả Phùng Thiện với hy vọng có thể tìm thêm chi tiết về ngành Quyết Trung và có thể có tên cụ thủy tổ (cụ Đồng Tuyến) trong đó hay không.

Còn tôi, về Saigon, đọc thật kỹ cuốn gia phả nhà, tìm trong đó những lời dạy bảo của ông nội, người đã mất 11 năm trước khi tôi ra đời.
Những chi tiết quan trọng trong cuốn gia phả họ Nguyễn Nho Lâm:
“Cụ Đồng Tuyến phát tích từ dòng họ Nguyễn Quyết Trung, về từ đường ông thầy Sư, có con là ông Thầy Long…, có anh em với cụ tổ về dòng ông Quản Ty, ông Bồi An …”
Từ chi tiết này, trong lần về quê tiếp theo, chúng tôi đã tìm gặp hậu duệ của những người có tên ở trên gồm: Bác Nguyễn Văn Ngoạn, là con cụ Thầy Long, Bác Sang, Bác Lưu là họ hàng gần với cụ Quản Ty, cụ Bồi An để xác định rõ quan hệ anh em của cụ Đồng Tuyến với các cụ tổ của các dòng kể trên.

Không may mắn như họ Nguyễn Nho Lâm, có gia phả để lại, các gia đình khác hầu như bị thất lạc hoàn toàn gia phả. Những cuốn gia phả phần nhiều là được vẽ lại sơ sài với sơ đồ dòng họ hoặc chỉ là một bài cúng. Tuy nhiên mọi người đều cung cấp được thông tin tổ tiên bằng nhiều phương pháp khác nhau. Để thuận tiện cho việc tra cứu so sáng thế thứ của các dòng khác nhau, chúng tôi quyết định bắt đầu tra cứu từ đời mà mỗi họ đều có người còn sống trở về trước là Bác Ngoạn, Bác Ro, Bác Sang và Bác Lưu.

Lúc đầu chi họ nhà bác Sang chỉ chỉ ra được đến cụ Trung Sơn, so về thế thứ là ngang với cụ Nhiêu Quý. Sau đó bổ sung thêm là còn có cụ Bưởng. Như vậy, ta tạm có sơ đồ các họ như ở bảng sau:

So sánh thứ bậc tổ tiên của 3 nhánh họ Nguyễn Quyết Trung:
 
Đời thứ từ Đường Thầy Long Từ đường nhà bác Vương Nhà ông Sang Nhà chú Lưu    
9 Bác Ngoạn Bác Vương (Bác Ro) Bác Sang Chú Lưu Ông Phú Ông Ngọ
8 Thầy Long (Pháp Trực) Cụ Thủ Đại (Cụ Phó Điền) Cụ Cận Cụ Thống   Ông Giản
7 Thầy Sự (Pháp Chính) Cụ Chất (Cụ Hội Tư) Cụ Dực Cụ Rị Cụ Bồi An Cụ Quản Ty
6 Pháp Minh (Nguyễn Hiểu) Cụ Đồng Bích Cụ Chu (Pháp Thịnh) Cụ Thìn Cụ Thoan
5 Pháp Thông (Nguyễn Chiêu) Cụ Nhiêu Quý Cụ Trung Sơn
4 Pháp Tuấn Cụ Đồng Tuyến Cụ Bưởng (Nguyễn Bưởng/ Pháp Khoa)
3 Pháp Ranh (Thầy Dong), Thánh tổ?, Đức tổ sư?
2 Phúc Thành
1 Pháp Hành (Nguyễn Hộ Nhạ, Nguyễn Trưởng Xã, Thành Hoàng thôn 2 (Giáp nhị))

Những thông tin ở trên đã được đối chiếu cẩn thận sao cho thế thứ của các cụ là chính xác: Ví dụ như bà Vinh gọi thầy Sự là bác Sự, vậy thầy Sự ngang hàng với cụ Hội Tư.

Kết luận 1: Từ bảng trên ta thấy, cụ Đồng Tuyến là anh em ruột với cụ Pháp Tuấn là ngành trưởng và cụ Bưởng là thủy tổ của các cụ Bồi An, cụ Quản Ty. Cụ thân sinh ra 3 cụ là cụ Pháp Ranh. Xem tiếp phần 3


Nguyễn Đình Tùng