Thày Dong (hay còn gọi theo âm địa phương là Thày Rong) là một Thày pháp nổi tiếng ở vùng Bồng Hải, Ninh Bình xưa kia, là Yên Khánh, Ninh Bình ngày nay. Xin giới thiệu với Quí vị bài viết về nhân vật nổi tiếng này qua bài viết của tác giả Đỗ Bằng Đoàn đăng trên đặc san Bồng Hải năm 1973, do Nguyễn Đình Tùng sưu tầm.
Tĩnh này là đền Thánh tổ ở Nho Lâm- Bồng Hải. Ông Thày Dong tên là Nguyễn Dông, tính tình trung hậu, hay giúp đỡ người nghèo đói, ai ốm đau nhờ ông chữa bệnh đều không lấy tiền. Nhà Ông làm phù thuỷ đến Ông đã bốn đời đều làm chánh pháp- sư. Hàng năm Tổng Bồng Hải làm lễ Kỳ yên do Ông thượng thuyền tống tiễn bè khao, năm nào cũng được bình yên, mạnh khoẻ. Ông Dong lag học trò giỏi độc nhất của Trần Quang Sự, người làng Hiếu Thiện (Ông Thày Sự). Ông Sự đã một thời nổi tiếng cao tay, nhiều phép thần thông quảng bá mà dân gian còn truyền miệng.
Tĩnh có từ năm Gia Long nguyên niên (1802) gồm hai toà, toà trong ba gian, toà ngoài năm gian lợp ngói. Toà trong cao nhất thờ tranh Phật và tranh Lão tử, rồi đến các hàng bệ. Bệ nhất thờ năm vị thiên phủ, bộ nhì thờ năm vị nhạc phủ, bệ ba thờ ba vị thuỷ phủ, bệ bốn thờ ba vị địa phủ. Hai dòng hai bên, bên tả thờ các tướng thánh đạo phù thuỷ, bên hữu thờ đương niên, đương cảnh và thổ thần. Hàng dưới thờ các gia sự hiển linh đắc đạo. Giữa bàn thờ ngoài các đồ tụ khí như bát hương, đồ thất sự, lọ song bình, còn để một cái hòm nhỏ dài sơn son, trong đựng hai quả ấn, một to, một nhỏ, có giá sơn cầm cờ lệnh để điều khiển âm tướng, âm binh, có giá cắm lĩnh nhọnđể gương oai khi thượng đồng trừ tà tróc quỷ.
Ngày xưa trước bàn thờ còn kê một hòm gian thật lớn, trong chứa nhiều hình người bằng rơm suốt, cao độ hai gang tay, cho mặc quần áo, đó là âm binh. Trên mặt hòm để một cái mõ bằng xương. Các thứ này lúc còn sinh thời mỗi khi Ông Dong gõ vào mõ xương là các âm binh đi làm việc như người sống bằng xương, bằng thịt.
Ngoài tiền đường, trên cao treo bức hoành phi có khắc ba chữ "Thanh Hư Phủ" .
Hai cột giữa treo câu đối:
Chinh cổ giao truyền, vạn mã thiên binh tề thống lĩnh
Mao kỳ huy phát, quần tà đẳng tội tổng quy môn.
Hai cột bên treo câu đối:
Sắc chỉ thượng đình tam danh tướng
Khâm sai hạ lệnh ngũ lôi thần.
Mỗi năm Ông đều mở hội từ 14 đến 16 tháng giêng, dân làng và các nơi đến lễ bái đông lắm.
Các cố lão thường kể chuyện: cách đây sáu, bảy mươi năm Tĩnh Ông có một toán âm binh khá đông có kỷ luật, trật tự. Gặp năm đại hạn nhà điền chủ phải mướn người tát nước vào ruộng lúa, Ông nhận khoán cho âm binh đi làm, có nơi làm đình, làm chùaphari đài tải vật liệu từ bờ sông vào Ông cũng nhận khoán. Sáng mai, nào gỗ, gạc, vôi, cát đã khuân vác chỗ đâu vào đấy. Dân Bồng Hải nay còn câu ví "làm như môi Ông Thày Dong" có ý là làm yếu, vừa làm, vừa chơi.
Một hôm Ông đi vắng, bà vợ vào lau chùi, quét bàn thờ, đụng tay phải cái mõ xương, tức thì âm binh trỗi dậy, bà sợ hãi chưa biết tính sao, chợt trông thấy đám cây cau trồng ở trước cửa vội nói: "Thày đi vắng dăn tôi bảo các tướng đem mấy cây cau này trồng ra đàng sau cho đẹp" Tức thì âm binh đánh cau ra sau nhà trồng. Chiều Ông về, bà thuật lại, Ông liền khua mõ ra lệnh: ""Thày tính trồng cau ra sau nhưng nay không tiện mắt, vậy các anh đem về trồng chỗ cũ cho Thày" Lát sau, cả hàng cau lại về đàng trước.
Ông có phép thuật cao cường nhưng không bao giờ lợi dụng để làm việc bá đạo, chỉ có đem tài học hỏi, tu luyện để ra giúp đời. Đệ tử Ông có nhiều người tinh quái, tham lam lại muốn tỏ tài hơn người. Một hôm anh học trò này thấy người đi chợ quàng quan tiền vào cổ, anh ngầm bắt quyết và nói: "Gớm ghê con rắn, sao lại quấn vào cổ". Người kia nhìn xuống, quả là con rắn đen trùi trũi, hoảng hồn liền vất đi, rồi hét lên chạy mất. Đợi người kia đi xa, anh học trò ranh mãnh ra nhặt lấy quan tiền. Lần khác, cũng anh này, thấy người đội cái thủ lợn đi biếu bà con, anh ngầm bắt quyết rồi nói: ""Bác đem đầu người đi đâu đấy?"", người này không tin, cứ đi, khách qua đường gặp ai cũng nói như vậy, bác này thử hạ mâm xuống xem thì rùng rợn làm sao, quả thật cái đầu người đang nhe răng, trợn mắt, bác vội vàng vất cả mâm và thủ lợn chạy mất. Truyện lọt đến tai, Ông gọi anh đệ tử lại quỏ mắng và thu hồi pháp thuật.
Xin xem tiếp phần 2