Chiếu lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung

Năm 1786, sau khi đánh tan quân xâm lược Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút, Nguyễn Huệ tiến quân ra Thuận Hóa. Trong vòng vài ngày quân Tây Sơn đã tiêu diệt hoàn toàn quân Trịnh ở Phú Xuân. Tiếp tục hành quân ra Bắc, hoàn thành sứ mệnh phò Lê diệt Trịnh, Nguyễn Huệ đã trao chính quyền lại cho vua Lê và rút quân trở về Phú Xuân.

Năm 1788 nhà Thanh cũng lấy danh nghĩa “phù Lê” tiến hành xâm lược nước ta. Ngày 24 tháng 11 năm Mậu Thân (21-12-1788): Nguyễn Huệ nhận được tin cấp báo đã quyết định tổ chức lễ đăng quang, lên ngôi Hoàng đế để "Chính vị hiệu" - lấy danh chính ngôn thuận để lãnh đạo cuộc kháng chiến đánh quân xâm lược nhà Thanh.Nguyễn Huệ tức tốc cho lập đàn Nam Giao ở núi Bân (cạnh núi Ngự Bình) làm lễ tế trời đất, tuyên bố lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, nhằm vào ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22-12-1788).
Tại lễ đăng quang Nguyễn Huệ tuyên đọc Chiếu lên ngôi, và liền sau đó là lễ xuất quân. Tân vương Quang Trung rút kiếm lệnh truyền lệnh xuất quân, đích thân chỉ huy đại quânhành quân thần tốc ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh, làm nên đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu (1789), giữ vững biên cương của Tổ quốc.
Những ngày giặc Tàu đang gây hấn trên biển Đông, chúng ta hãy nghe lại những lời sang sảng trên đỉnh núi Bân ngày Nguyễn Huệ đăng quang và làm lễ xuất quân năm ấy (1788):
“Trẫm nghĩ: Đạo có thay đổi, thời phải biến thông, nhưng đấng thánh nhân vâng theo đạo trời để làm vua trong nước, yêu dân như con, thì cái nghĩa cũng chỉ là một.
“Nước Việt ta, từ Đinh, Lê, Lý, Trần mở nước đến nay, bậc thánh minh dấy lên, chẳng phải một họ. Nhưng hưng, phế, dài, ngắn, là vận mệnh trời cho, chẳng phải sức người làm được…
“Trẫm là: Người áo vải đất Tây Sơn, không một tấc đất, vốn không có chí làm vua. Chỉ vì lòng người chán ghét loạn lạc, mong có vị minh chúa để cứu đời yên dân. Cho nên tập hợp nghĩa quân, xông pha chông gai, phá núi mở rừng… mấy nghìn dặm đất cõi trời Nam đều thuộc về trẫm cả. Trẫm tự lượng mình phận bạc, tài đức không theo kịp cổ nhân, mà đất đai rộng lớn thế, nhân dân đông đúc thế, nghĩ đến việc cai quản, lo sợ như cầm dây cương mục mà dong sáu ngựa!
“Vừa đây, tướng sĩ văn võ, thần liệu trong ngoài, đều muốn trẫm sớm định vị hiệu để thu phục lòng người…
“Trẫm nghĩ: Nghiệp lớn rất trọng, ngôi trời rất khó, trẫm thật lòng lo không đương nổi. Nhưng ức triệu người trong bốn bể đang trông cậy vào một mình trẫm. Đó là ý trời, đâu phải việc người? Trẫm ứng mệnh trời, thuận lòng người, không thể cố chấp nhún nhường mãi…
“Hỡi muôn dân trăm họ! Sách “Kinh thư” thiên “Hồng phạm” có viết rằng: “Lời nói lớn lao của ngôi hoàng cực là lời giáo huấn phải thi hành”. Nhân, Nghĩa, Trung, Chính là đầu mối lớn của đạo làm người. Nay, trẫm cùng nhân dân đổi mới, theo mưu mô sáng suốt của tiên thánh để trị và dạy thiên hạ.
“Than ôi! Sách “Kinh thư”, thiên “Thái thệ” lại viết rằng: “Trời vì hạ dân, định nên đế, đặt ra sư, là để giúp trời vỗ yên bốn phương”. Trẫm có cả thiên hạ, sẽ cùng dắt dìu dân chúng lên con đường lớn, bước vào cõi xuân”…
“Đánh cho để dài tóc!
Đánh cho để đen răng!
Đánh cho nó chích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn!
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!”


Toàn văn Chiếu lên ngôi của vua Quang Trung

 

Trộm nghĩ: năm đời đế đổi họ mà chịu mệnh, ba đời vương gặp thời mà mở vận, đạo có thay đổi, thời cũng biến thông, đấng thánh nhân vâng theo đạo trời để làm chủ tể trong nước, làm cha mẹ dân, chỉ có một nghĩa mà thôi.
 
Nước Việt ta từ đời Đinh, Lê, Lý, Trần gây dựng ra nước cho đến ngày nay, thánh minh dấy lên không phải là một họ, nhưng thịnh suy, dài ngắn, vận mệnh do trời, không phải sức người tạo ra được. Trước đây nhà Lê mất chính quyền, họ Trịnh và cựu Nguyễn chia bờ cõi. Hơn hai trăm năm nay, kỷ cương rối loạn, vua Lê chỉ là hư vị, cường thần tự ý vun trồng, giềng mối của trời đất một phen rơi xuống không nâng lên được, chưa có lúc nào hư hỏng quá như lúc này vậy. Vả lại mấy năm gần dây, nam bắc gây việc binh đao, nhân dân rơi vào chốn bùn than. Trẫm là người áo vải ở Tây Sơn, không có một thước đất, vốn không có chí làm vua, chỉ vì lòng người chán ngán đời loạn, mong mỏi được vua hiền để cứu đời yên dân, vì vậy trẫm tập hợp nghĩa binh, mặc áo tơi đi xe cỏ để mở mang núi rừng, giúp đỡ hoàng đại huynh rong ruổi việc nhung mã, gây dựng nước ở Tây Thổ, vỗ yên các nước Xiêm La, Cao Miên, đánh lấy Phú Xuân, tiến ra Thăng Long, cố ý quét sạch loạn lạc,  cứu vớt dân trong vòng nước lửa, rồi sau trả lại nước cho họ Lê, trả đất về đại huynh, trẫm sẽ dung xiêm thêu hia đỏ ngao du hai nơi làm vui mà thôi. Nhưng việc đời run rủi, trẫm không theo được cái chí xưa đã định.
 
Trẫm hai lần gây dựng họ Lê, thế mà tự quân họ Lê không biết giữ xã tắc, bỏ nước đi bôn vong, sĩ dân Bắc Hà không hướng về họ Lê, chỉ trông mong vào trẫm, về phần đại huynh có ý mỏi mệt, tình nguyện giữ một phủ Qui Nhơn, tự nhún xưng là Tây vương, mấy nghìn dặm đất về phương nam thuộc hết về trẫm. Trẫm tự nghĩ tài đức không bằng người xưa, mà đất đai thì rộng, nhân dân thì nhiều, ngẫm nghĩ cách thống trị, lo ngay ngáy như dây cương mục chỉ huy sáu ngựa.
 
Vừa rồi đây, văn võ tướng sĩ, trong ngoài thần liêu, đều muốn trẫm sớm lên ngôi báu để giữ chặt lòng người, đã hai ba lần dâng thư khuyên trẫm lên ngôi, tờ biểu suy tôn, không ai bàn tính với ai mà đều cùng một lời tán thành.
 
Nay xem khí thần rất hệ trọng, ngôi trời thật khó khăn, trẫm chỉ lo không kham nổi, nhưng ức triệu người trong bốn bể đều xúm quanh cả vào thân trẫm, đó là ý trời đã định, không phải do người làm ra. Trẫm nay ứng mệnh trời, thuận lòng người không thể khăng khăng cố giữ sự khiêm nhường.
 
Trẫm chọn ngày 22 tháng 11 năm nay lên ngôi thiên tử, đặt niên hiệu là Quang Trung năm đầu, truyền bảo cho trăm họ muôn dân phải tuân theo giáo lệnh của nhà vua. Nhân nghĩa, trung chính là đạo lớn của người, trẫm nay cùng dân đổi mới, vâng theo mưu mô sáng suốt của vua thánh đời trước, lấy giáo hóa trị thiên hạ.
 
Một là: mười ba đạo các xứ địa phương, vụ đông năm nay, các khoản “tô, dung, điệu” chỉ thu năm phần mười, nơi nào bị nạn binh hỏa, cho phép các quan chức đến nơi xét thực, tha miễn tất cả.
 
Hai là: bầy tôi và nhân dân cựu triều hoặc bị vạ lây đã phải kết tội nặng, trừ tội đại nghịch bất đạo, còn thì đều cho đại xá.
 
Ba là: các đền thờ dâm thần đều bãi bỏ đi không được liệt vào tự điển, còn các đền thiên thần và trung thần, hiếu tử, nghĩa phụ, trước đã được các đời bao phong thì nay đều cho thăng trật.
 
Bốn là: quan viên văn võ cựu triều, hoặc vì tòng vong trốn tránh, cho phép được về nguyên quán, người nào không muốn ra làm quan cũng cho tùy tiện.
 
Năm là: nhân dân Nam Hà, Bắc Hà, cách ăn mặc cho được theo tục cũ, dùng áo mũ triều nghi thì nhất luật phải theo qui chế mới.
 
Than ôi! Trời vì hạ dân đặt ra vua, đặt ra thầy, cốt là để giúp thần thượng đế, yên vỗ bốn phương. Trẫm nay có thiên hạ sẽ dìu dắt dân vào đạo lớn, đem dân lên cõi dài xuân. Vậy tất cả mọi người thần dân đều yên chức nghiệp, chớ có theo đòi những việc sai trái; người làm quan giữ đạo công liêm, người làm dân vui theo lệ tục, giáo hóa thấm nhuần, đi đến con đường chí thận, để vãn hồi lại thịnh trị của năm đời đế ba đời vương, để kéo dài phúc lành của tôn miếu, xã tắc không có bờ bến, chả là tốt dẹp lắm ru! 
 

Trong Festival Huế 2008 có lễ hội tái hiện lễ vua Quang Trung đăng quang ở núi Bân.Lễ hội nhằm tôn vinh truyền thống anh hùng của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Lễ đăng quang của hoàng đế Quang Trung được tái hiện hoành tráng tại di tích lịch sử núi Bân với sự tham gia của khoảng 1.000 người, gồm: diễn viên các đoàn nghệ thuật, sinh viên trường văn hoá nghệ thuật tỉnh, BCHQS tỉnh, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô, Trung tâm Thanh thiếu nhi, CLB Nhã nhạc Phú Xuân... Ngoài ra còn có sự tham gia của Trung tâm TDTT tỉnh Bình Định, đội Nhạc Võ Tây Sơn. Lễ hội gồm ba phần chính: Nghi lễ tế cáo trời-đất, lễ đăng quang, lễ xuất binh.
Phạm Hữu Thanh Tùng 
Một số hình ảnh trong Lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung