Ấn tượng cồng chiêng

Đêm bế mạc Festival cồng chiêng quốc tế 2009 với những màn biểu diễn đầy ngẫu hứng của thành viên các đoàn cồng chiêng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân Tây Nguyên và du khách trong nước và quốc tế.

Không khí lễ “Bỏ mả” do đoàn nghệ nhân dân tộc Bana đến từ huyện Đăk Đoa (Gia Lai), trình diễn tại Công viên Văn hóa Đồng Xanh - thành phố Pleiku. Những hình thù kỳ quái, những khuôn mặt ma quỷ xuất hiện, nhảy múa, hò la trong tiếng cồng chiêng rộn ràng. 

Còn những cô gái Mường trong trang phục màu trắng xinh đẹp đến từ huyện Thạch Thất, thủ đô Hà Nội, mang đến Festival không khí của lễ hội Sắc mùa độc đáo.

Bà Bùi Thị Thìn, nghệ nhân của đoàn tâm sự: “Đây là dịp để chúng tôi được giao lưu học hỏi và phát triển thêm nghệ thuật cồng chiêng. Festival sẽ thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết các dân tộc anh em, trong nước cũng như ở nước ngoài”.

Đoàn nghệ nhân dân tộc Jarai đến từ huyện Chư Pả, tỉnh Gia Lai, trình diễn tiết mục “Đón khách”, Đoàn nghệ nhân dân tộc Xê Đăng đến từ huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum đem đến tiết mục “Mừng lúa mới”, còn đoàn nghệ nhân của Vương quốc Campuchia, gồm 12 người đã trình diễn tiết mục Tarum trong lễ hội đâm trâu và uống rượu cần...

Điều dễ nhận thấy trong hoạt động trình diễn cồng chiêng là ngoài những nét đặc sắc riêng của từng dân tộc, vùng miền, còn có những nét tương đồng trong nghệ thuật cồng chiêng giữa các nước trong khu vực.

Anh Rơ Châm Phyunh đến từ huyện Chư Pả, tỉnh Gia Lai cho biết: “Những người bạn quốc tế như Lào, Indonesia, Campuchia trình diễn,... cùng góp vui với tất cả các đoàn nghệ nhân ở các khu vực Việt Nam tại Công viên Đồng Xanh rất hay. Xem các đoàn nước bạn biểu diễn, tôi thấy cũng có nhiều nét giống văn hóa cồng chiêng nước mình”.

Khi tiếng cồng chiêng nổi lên, mời gọi bà con buôn làng gần xa về tụ họp. Ông thầy cúng dâng lễ vật, gồm nắm cơm mới, con gà, đầu lợn... và đọc lời cầu khấn, tạ ơn thần linh đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, bà con no ấm.

Ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Trưởng Ban Tổ chức Festival cho biết: “Lễ mừng lúa mới là một trong những lễ hội đặc trưng của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nó gắn liền với cộng đồng các dân tộc thiểu số”.    

Tại Công viên văn hóa Đồng Xanh, các đoàn nghệ nhân trong nước và quốc tế, tiếp tục trình diễn cồng chiêng. Đoàn nghệ nhân dân tộc Thái (tỉnh Sơn La), đem đến Festival này không khí của lễ hội mùa xuân. Những điệu múa uyển chuyển của các cô gái Thái xinh đẹp, nhịp nhàng theo tiếng nhạc cồng chiêng và bài hát “Inh Lả ơi” quen thuộc.

Còn đoàn cồng chiêng ít tuổi nhất tại Festival này đến từ huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai, gồm có 12 em dân tộc Bana, với độ tuổi từ 6 - 15. Tuy chỉ mới tập luyện được vài tháng trước khi diễn ra lễ hội, nhưng các em đã tham gia trình diễn một cách đẹp mắt và đầy ấn tượng. Đặc biệt, đoàn cồng chiêng đến từ Liên bang Myanmar đã biểu diễn một chương trình nghệ thuật độc đáo, thắm tình hữu nghị. Các nghệ nhân không chỉ thể hiện một số giai điệu truyền thống của dân tộc mình, quốc gia mình, mà còn biểu diễn cả Quốc ca Việt Nam và bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Ông Zanmokyao, thành viên trong đoàn cồng chiêng Liên bang Myanmar, nói: “Myanmar cũng như các nước khác trong cộng đồng ASEAN đến tham dự Festival cồng chiêng tại Gia Lai năm 2009 rất vui mừng và hạnh phúc. Chúng tôi thấy đây là một chương trình rất hoành tráng, rất đẹp. Qua đây tăng thêm tinh thần đoàn kết giữa các nước trong cộng đồng ASEAN”.