Bảo tồn hát xoan bằng cách nào?

Khoảng 4 tháng nữa (31/3/2010), hồ sơ hát xoan sẽ được hoàn tất để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.

Trước thực trạng loại hình nghệ thuật này đang đứng trước nguy cơ ngày càng mai một, thì việc đi tìm những biện pháp để bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xoan đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.

Theo khảo sát của Sở VH-TT&DL Phú Thọ, những điệu Xoan cổ chỉ được lưu giữ tương đối đầy đủ ở 4 phường Xoan gốc là thôn  An Thái (xã Phượng Lâu - TP. Việt Trì); thôn Thét, thôn Phù Đức, thôn Kim Đái (xã Kim Đức - TP. Việt Trì). Còn những địa bàn liên quan đến hát Xoan (17 xã thuộc tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc) chỉ đón phường Xoan về hát trong lễ hội đầu xuân. Nhưng hiện nay, đa số những người yêu thích hát xoan đều đã ngoài độ tuổi 60, còn những người trẻ tuổi không mấy quan tâm đến loại hình nghệ thuật này. Hiện nay, việc truyền dạy hát xoan cho hế hệ trẻ đang gặp nhiều khó khăn do các nghệ nhân cao tuổi còn rất ít.
 
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan (ảnh: toquoc.gov.vn)
Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện âm nhạc Việt Nam, thì hát xoan còn gọi là hát cửa đình, là hình thức nghệ thuật đa yếu tố, bao gồm nhạc, hát, múa... nằm trong thành phần các trò diễn hội làng. Hát xoan thường đuợc biểu diễn vào dịp đầu xuân theo tục giữ cửa đình, phổ biến ở vùng đất Phú Thọ. So với các hình thức nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam, hát xoan hiện còn giữ được khá nhiều dấu tích âm nhạc và cũng là loại hình âm nhạc có tính chuyên nghiệp của người Việt. Hát xoan có tổ chức hết sức chặt chẽ - phường xoan là một tổ chức văn nghệ của làng, phần lớn là những người có quan hệ họ hàng với nhau.

Hát xoan là tiếng hát dâng thần linh, cầu chúc, khấn nguyện thần linh ban phúc cho dân làng... Nghệ thuật độc đáo của hát xoan còn thể hiện ở cách thức đón đào (người hát). Hình thức này vẫn tồn tại ở một số địa phương hai bên bờ sông Lô. Để mời được các đào về đình hát, người ta tổ chức lễ đón rước rất linh đình. Người đón đào phải là những chàng trai trẻ, mặc quần áo trắng, đeo trống trước bụng, quấn khăn đỏ trên đầu. Khi các cô đào chuẩn bị sang sông thì bên bờ này, người đón đào đã phải đánh trống chào đón. Khi đào lên bờ, người trai đón đào trao trống cho đào, đào đeo trống và người nam gõ trống. Vừa đi vừa hát giao duyên với nhau đến tận cửa đình. Khi đến đình, đoàn phải vào vái vua và hát thờ thánh.

Mô hình bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể mà UNESCO đề xướng là bảo tồn di sản đó trong cộng đồng. Hình thức này cũng sẽ giúp cộng đồng sở hữu di sản ý thức được giá trị văn hoá của mình để gìn giữ và phát huy nó. Hát xoan gắn liền với lễ hội, với nhu cầu tâm linh, không được “cắm rễ” vào mảnh đất lễ hội, hát xoan sẽ lụi tàn.

Theo GS. TS khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, ngoài việc đầu tư kinh phí mua trang phục, đạo cụ liên quan đến hát xoan, các ngành chức năng cần quan tâm phục dựng di tích gốc để hát xoan có không gian biểu diễn. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các trường trung học đưa nghệ thuật hát xoan vào giảng dạy và phong tặng nghệ nhân cho các đào xoan. Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, tác giả tập sách “Hát Xoan Phú Thọ”, người dành cả đời để nghiên cứu nghệ thuật hát xoan,  cho rằng, “phải chuyên nghiệp hát xoan mới bảo tồn được hát xoan”.
 
Hát Xoan là loại hình nghệ thuật cổ, không được biết đến nhiều và cũng không có nhiều tài liệu khoa học nghiên cứu về loại hình nghệ thuật này

Điều kiện để hồ sơ hát xoan khi trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được bảo vệ khẩn cấp, nhà nghiên cứu âm nhạc - nhạc sỹ Đặng Hoành Loan cho rằng: Các nhà khoa học phải nghiên cứu cả 18 làng có liên quan đến nghệ thuật hát xoan ở tỉnh Phú Thọ, phải chứng minh được hát xoan là truyền thống văn hoá, có hình thức biểu diễn nghệ thuật âm nhạc, do cộng đồng sáng tạo nên và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; đồng thời phản ánh được sự đồng thuận của cộng đồng trong việc gìn giữ, phát huy cũng như kế hoạch bảo tồn di sản của Nhà nước.