Theo điều tra nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy bia khắc gia phả được đặt tại nhà thờ Họ ở các tỉnh sau đây (xếp theo ABC): Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Tây, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hoá, Vĩnh Phú.
“Văn hóa dòng tộc” là một nét độc đáo trong di sản văn hóa Việt Nam. Còn trong sâu thẳm mỗi tâm hồn, dòng máu người Việt luôn tồn tại mối liên kết máu mủ, dòng họ. Đó cũng là lẽ đương nhiên khi con người, khi sinh ra, ai cũng có một cội rễ là dòng tộc của mình.
Trong thời gian qua, có không ít bà con kiều bào, trong chuyến hành trình trở về quê mẹ thăm lại thân nhân, còn có một khao khát mang tính tâm linh và hết sức thiêng liêng: tìm lại gốc gác dòng tộc. Nhiều người đã bỏ công, bỏ của đi tìm lại mối liên kết trong dòng tộc mình, dựng nhà thờ họ hay tìm kiếm gia phả.
Thế nhưng không phải ai cũng hiểu về “văn hóa dòng tộc” một cách thấu đáo nhất. Để đáp ứng những thắc mắc của bà con kiều bào gửi về Người Viễn Xứ thời gian qua, chúng tôi xin gửi đến độc giả bài viết “Bước đầu “giải mã” gia phả khắc đá ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Văn Hoa như một thông tin thú vị và bổ ích về “văn hóa dòng tộc”.
Tiền nhân có câu:
“Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Tuy nhiên bia đá trong các nhà thờ Họ/ Từ đường của Việt Nam có vị trí cực kỳ quan trọng trong văn hóa dòng tộc và văn hóa Việt Nam.
Trong bài này chúng tôi xin bước đầu “giải mã” gia phả khắc đá ở Việt Nam.
Văn bia khắc gia phả nằm ở đâu?
Theo điều tra nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy bia khắc gia phả được đặt tại nhà thờ Họ ở các tỉnh sau đây (xếp theo ABC): Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Tây, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hoá, Vĩnh Phú.
Chúng tôi đã tham khảo khoảng trên 50 bia khắc gia phả. Số họ có văn bia bao gồm: Đặng, Đào, Đinh, Đỗ, Đoàn, Dương, Giáp, Hoàng, Lê, Mạc, Nghiêm, Ngô, Nguyễn, Phan, Trần, Trương, Vũ.
Để tạo dựng một chiếc bia đá, điều này phụ thuộc vào nhiều người, nhưng nhất thiết phải có thợ khắc đá. Họ nắm một khâu thiết yếu trong công nghệ dựng bia của Việt Nam.
Thợ khắc bia là ai?
Với tay nghề điêu luyện, nhiều người thợ khắc bia đã trở thành những nghệ nhân, được nhiều dòng họ mời chuyên khắc bia đá cho dòng tộc mình. Trong lịch sử của nghề khắc bia đá, có thể kể đến: Thợ đá Trần Văn Quảng và Trần Văn Hà ở xã Gia Đức đã khắc bia tạo năm 1696 của họ Nguyễn ở Vũ Ên, tỉnh Phú Thọ, đồng thời cũng thấy khắc bia tạo năm 1696 cho họ Lương ở Phấn Sơn, tỉnh Bắc Giang. Thợ Nguyễn Duy Tiến tước Hùng Tài Bá và Nguyễn Duy Nhân tước Minh Tài Bá cùng khắc bia cho họ Nguyễn ở Hạ Tốn Hà Nội. Ông Lê Tâm là thợ khắc phường Kinh Chủ chuyên khắc bia họ Nguyễn ở Phù Đổng, Hà Nội. Hay còn có thợ khắc Nguyễn Nhân Tế khắc bia cho họ Phạm ở Cẩm Bào, tỉnh Bắc Giang. Nguyễn Bạch Tường thợ khắc xã Đại Bái, huyện Gia Định, phủ Thuận An khắc bia cho họ Ngô ở Như Nguyệt, tỉnh Bắc Ninh. Ông họ Nguyễn ở Yên Việt, huyện Siêu Toại khắc bia tạo năm 1570 cho họ Đoàn ở Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh.
Thợ khắc là người quan trọng trong việc tạo dựng một tấm bia. Nhưng trước đó, lại cần có người viết nên nội dung của tấm văn bia ấy, làm sao để nội dung ấy nói lên một cách bao quát nhưng cụ thể với những nét quan trọng và riêng biệt về dòng họ ấy.
Vậy ai là người viết văn bia?
Hầu như những người viết văn bia là người có học và có uy tín với dòng họ cần tạo bia. Chẳng hạn như:
- Tiến sỹ Nguyễn Chính khoa Nhâm Tuất (1863) Hàn Lâm viện thị tộc học sỹ viết văn bia cho bia tạo năm 1874 của họ Nguyễn ở Thạch Trụ, tỉnh Quảng Ngãi.
- Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản người làng Du Lâm, Đông Ngàn, soạn bia 1882 cho Nhà thờ họ Phạm ở Đông Phan, tỉnh Quảng Nam.
- Tiến sỹ Nguyễn Thuần Phu khoa Đinh Sửu (1637) chức Lễ bộ hữu thị lang tước Phương Lộc bá cùng Vũ Quang Đại Nội doanh thư ký Công bộ công trình viên ngoại, tước văn minh tử cùng nhau soạn bia tạo năm 1651 cho họ Ngô ở Trảo Nha, tỉnh Hà Tĩnh.
- Tiến sỹ Nguyễn Nghiễm (thân sinh Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều) tước Xuân nhạc hầu, tiến sỹ khoa Tân Hợi (1731), tham tụng, công hộ thượng thư, kiêm quốc tử giám tế tửu đã soạn văn bia cho họ Nguyễn ở Tiên Điền, tỉnh Hà Tĩnh.
- Ngô tiến sỹ đậu năm 1766 và Phan tiến sỹ đậu năm 1754 cùng soạn văn bia tạo năm 1767 cho họ Nguyễn ở Phú Đa, tỉnh Vĩnh Phú.
Bia tạo vào đời vua nào ?
Hầu hết bia chúng tôi tham khảo viết bài này đều tập trung vào đời nhà Lê (vua Lê chúa Trịnh) và Triều Nguyễn. Chưa tìm thấy bia gia phả đời Đinh, Lê, Lý, Trần.
Nhưng thật thú vị cũng có bia tạo dựng vào thời Tây Sơn, ví dụ như bia dựng năm 1795 đời Cảnh Thịnh Tây Sơn của dòng họ Ngô ở Hà Tây (nay là Hà Nội). Bia được khắc 2 mặt, diện tích 110cm x 160 cm bằng chữ Hán có 59 dòng với 1500 chữ. Bia chạm mặt nguyệt rồng hoa dây.
Nội dung văn bia nói gì?
Một cuốn gia phả khắc bằng đá. Như gia phả khắc đá của họ Nguyễn Văn ở Tháp Dương, tỉnh Bắc Ninh. Gia phả khắc đá họ Ngô Vi ở Hà Tây, ghi được 19 đời dài 500 năm. Gia phả Ngô Thì ở Tả Thanh Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội ), ghi được 33 đời trong đó Ngô Thì Nhậm (con Ngô Thì Sỹ ) là đời số 1.
Bia đá cũng còn dùng để khắc ghi lời tiền nhân dạy con cháu với nhiều nội dung.
Tiền nhân rất chú trọng đến việc dạy con cháu lo việc học hành, như họ Bùi ở Thân Thượng, tỉnh Nam Định: đậu tiến sỹ là tấm gương về Nho học để các lớp đàn em trong thôn đua nhau noi theo. Họ Nguyễn Văn ở Thôn Tháp Dương, tỉnh Bắc Ninh đã khắc vào bia đá tên tất cả giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ và cử nhân (cả con trai, con gái, con dâu). Họ Vũ ở Phù Ủng, tỉnh Hưng Yên đã khuyên con cháu cần cù học hành, “độc Thư tín thị thành gia bản“: đọc sách là gốc của nhà. Họ Nguyễn ở Phú Đa, tỉnh Vĩnh Phú đã xây trường học, lập ruộng khuyến học.
Phải giữ nếp nhà cũng là một trong những điều tiền nhân muốn răn dạy con cháu đời sau. Hầu hết văn bia đều nêu cao công đức tiền nhân và nhắn nhủ con cháu giữ nếp nhà. Bia họ Nguyễn tạo 1765 ở Đặng Xá, Hà Nội căn dặn con cháu phải cần kiệm, trung hiếu, không rượu chè bê tha, không làm điều phi nghĩa.
Hầu hết các bia đều nêu cao việc làm công đức của tiền nhân. Họ Lê ở Mai Trai, tỉnh Sơn Tây thường giúp đỡ người nghèo khổ. Họ Nguyễn ở Gia Thụy, Hà Nội đã giúp dân làm ngôi đình lợp ngói 5 gian, xà, cột đều dùng gỗ lim, gỗ hồng tâm. Họ Trương ở Trung Mầu, tỉnh Bắc Ninh đã tạo điều kiện cho dân lưu tán về quê làm ăn yên ổn. Họ La ở Đức Thắng, tỉnh Bắc Giang nhân từ phúc hậu thường xuyên giúp người làng khó khăn. Họ Đỗ ở Giới Tế, tỉnh Bắc Ninh giúp dân xây đình, phát thóc, ngô cho dân lúc đói kém mất mùa. Họ Vũ ở Ngọc Trì, tỉnh Bắc Ninh giúp dân gây dựng nghề tơ tằm dệt lụa. Họ Đặng ở Tỳ Bà, tỉnh Bắc Ninh, sau chiến tranh ly tán, khai khẩn đất hoang cưu mang người cô độc, nghèo khó. Họ Ninh ở Yên Mỹ, tỉnh Ninh Bình đã định lệ nuôi các bậc kỳ lão, mở chợ và vạch rõ cương giới ruộng đồng. Họ Nguyễn ở Loan Cốc, tỉnh Thanh Hoá là nhà phú hộ, bản tính khoan hoà từ ái, thường xuất tiền, thóc giúp đỡ người túng thiếu. Họ Nguyễn ở Nghi Hợp, tỉnh Nghệ An đã bỏ tiền chuộc lại ruộng chùa cho dân...
Văn bia khắc đá cũng là một loại Minh văn, vì vậy nó cũng đòi hỏi tấm bia phải đạt được vẻ thẩm mỹ, mang đậm nét văn hóa truyền thống Á Đông.
Mỹ thuật tạo bia ra sao?
Chúng tôi không phải chuyên gia Khoa Kim Thạch học, nhưng cũng xin nêu vài thông tin về Bia khắc đá của các dòng họ Việt Nam.
Bia dựng vào thời nhà Lê thường có chạm hoa lá, hoa văn chữ triện. Chạm hình vuông, lá cuốn, chạm dây, chạm long mã, sóng nước, hoa dây, chạm dây leo, cánh sen, rồng vờn mặt trời, xung quanh chạm rồng leo, hạc bay, phượng chầu mặt nguyệt, xung quanh hoa dây tay mướp. Chạm rồng chầu mặt trời, xung quanh hoa đơn bốn cánh xếp đều. Chạm mặt trời, rồng mây; trán bia trang trí lưỡng long chầu nguyệt, diềm chạm hoa dây. Chạm mặt trời, rồng, hoa lá; mặt trời, mây tua lửa viền quanh và chạm hình đầu rồng ngậm nửa hình vuông đồ họa. Chạm mặt nguyệt, rồng mây, hoa dây. Chạm mặt trời, rồng, phượng và dây leo. Chạm mặt trời, mây có chữ Thọ trong mặt trời, xung quanh hoa lá. Chạm lưỡng long triều nguyệt, mây lửa viền quanh. Chạm mặt trời, rồng, nghê và hoa. Chạm mặt trời rồng phượng...
Nhóm tác giả Vũ Tuấn Sán (Hà Nội ) đã viết rằng: “Văn bia là những chứng tích phản ánh những cuộc biến thiên và cả lòng thiết tha của con người muốn gìn giữ dấu vết quý giá của thời xưa để truyền dạy cho muôn đời sau niềm tự hào về nền văn hoá lâu đời của nhân dân ta” (Tuyển tập văn bia Hà Nội, trang 9 -10). Văn bia là của riêng mỗi dòng họ, nhưng nó góp phần tạo nên nét độc đáo trong di sản văn hóa Việt Nam.
TS.NGUYỄN VĂN HOA